Diễn đàn lớp 9/4- THCS Nguyễn Phú Hường
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Cấu trúc đề thi ngữ văn vào lớp 10

Go down

Cấu trúc đề thi ngữ văn vào lớp 10 Empty Cấu trúc đề thi ngữ văn vào lớp 10

Bài gửi  admin Mon May 14, 2012 9:34 am

CẤU TRÚC ĐỀ THI
(DÀNH CHO HS KHU VỰC TP Đà Nẵng)


1.Bài kiểm tra kiến thức phần văn bản: 1 điểm

Đây là bài tập nhằm kiểm tra kiến thức về tác giả, tác phẩm mà các em đã học trong chương trình ngữ văn 9. Để làm được bài tập này, các em cần nắm vững những kiến thức về tác giả, đặc biệt là các tác gia lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, học thuộc lòng các bài thơ, nắm được cốt truyện, nội dung và nghệ thuật chủ yếu của tác phẩm (được ghi rất cô đọng trong phần ghi nhớ cuối bài học). Khi chép thơ, các em đừng để mắc lỗi chính tả.
Đề kiểm tra HK II năm nay cho thấy chú trọng đến phần đọc hiểu nhiều hơn là học thuộc lòng. Đề bài có thể yêu cầu học sinh giải thích nhan đề một tác phẩm, nội dung một chi tiết truyện hay ý nghĩa một câu thơ, có khi là ý nghĩa của những từ khó được ghi trong phần chú thích. Các em nên lưu ý nội dung phần chú thích và phần đọc – hiểu văn bản để ôn tập.

2. Bài thực hành tiếng Việt: 1 điểm

Đây là dạng bài tập nhằm kiểm tra sự hiểu biết và vận dụng kiến thức tiếng Việt 9. Muốn thực hành được, các em phải hiểu bài, nắm vững lý thuyết. Các em cần xem lại tất cả những bài tập trong sách giáo khoa. Khi làm bài tập, các em cần thực hiện tất cả các yêu cầu mà đề bài đã cho. Ví dụ khi đề bài yêu cầu học sinh chỉ rõ phép liên kết câu, có bạn đã chỉ ra từ ngữ thực hiện phép liên kết mà quên gọi tên phép liên kết đó. Như vậy các bạn đã bị mất nửa số điểm của bài tập này. Hoặc khi đề bài yêu cầu học sinh chỉ rõ thành phần phụ chú trong đoạn văn, có bạn lại gạch dưới cả thành phần chủ ngữ, vị ngữ…Các em cần gắn với lý thuyết đề làm bài tập, luôn đặt câu hỏi: Bài tập này liên quan đến bài học nào? vận dụng kiến thức nào để làm bài tập này?

3. Bài nghị luận ngắn về một vấn đề xã hội (một vấn đề tư tưởng đạo lý, một sự việc, hiện tượng trong đời sống): 3 điểm

Đây là dạng bài tập yêu cầu các em trình bày suy nghĩ về một vấn đề của cuộc sống bằng một bài văn ngắn (khoảng 400 từ - 1 trang giấy thi). Muốn làm được bài tập này, các em cần lưu ý những yêu cầu sau:
- Nắm vững vấn đề mà đề bài yêu cầu bàn luận, tránh lạc đề. Rút kinh nghiệm từ đề kiểm tra học kì II vừa qua, đề bài yêu cầu trình bày suy nghĩ của em về cách ứng xử đẹp trong quan hệ tình bạn nhưng nhiều em học sinh lại chỉ miên man trình bày suy nghĩ về tình bạn một cách chung chung. Như thế là chưa xác định vần đề nghị luận dẫn đến việc triển khai nội dung nghị luận chưa đúng trọng tâm. VD: thay vì giải thích thế nào là ứng xử đẹp trong quan hệ tình bạn thì học sinh lại giải thích tình bạn là gì, thay vì khẳng định ứng xử đẹp trong quan hệ tình bạn có vai trò quan trọng trong việc củng cố, giữ gìn tình bạn thì học sinh lại khẳng định ý nghĩa của tình bạn trong đời sống con người…
- Khi trình bày vấn đề, các em cần chú ý xoay quanh các yêu cầu của bài văn nghị luận bao gồm: Giải thích nội dung vấn đề - Khẳng định hoặc phủ định vần đề bằng lý lẽ và dẫn chứng- Bàn bạc cách thức thực hiện và bày tỏ ý kiến riêng , rút ra bài học thực tiễn.
- Vì đây là bài tập có tính tích hợp kĩ năng thực hành tiếng Việt, kĩ năng tạo lập văn bản nên các em cần chú ý đến độ dài văn bản, không viết sai chính tả, không để mắc lỗi dùng từ, đặt câu, bố cục văn bản sao cho cho “có đầu có đuôi”, nghĩa là có một bố cục chặt chẽ của một bài văn nghị luận là : nêu vấn đề -> triển khai làm sáng tỏ vấn đề -> kết thúc vấn đề.

4. Bài nghị luận văn học: 5 điểm

Đây là dạng bài tập yêu cầu các em trình bày cảm nhận, nêu suy nghĩ, hoặc phân tích…một tác phẩm, một đọan trích, hoặc một chủ đề, một nhân vật trong tác phẩm văn chương.
Với dạng bài tập này, các em cần phải có kiến thức về tác phẩm như tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung và nghệ thuật chủ yếu, bố cục, mạch cảm xúc (thơ), hệ thống nhân vật, các tình huống, cốt truyện (truyện). Đồng thời các em phải nắm chắc kĩ năng nghị luận tác phẩm văn chương cũng như biết phát huy năng lực cảm thụ thơ văn của mình. Muốn bài văn đạt điểm cao, ngoài những kiến thức cơ bản về tác phẩm, các em cần có sự sự mở rộng đến những tác phẩm có cùng đề tài, chủ đề để so sánh, đối chiếu nhằm hiểu sâu hơn về tác phẩm cũng như thấy được sự độc đáo, sáng tạo của tác giả trong cách thể hiện. Dù đề bài có yêu cầu HS trình bày cảm nhận, suy nghĩ của em về tác phẩm thì các em cũng không nên chỉ cảm nhận, suy nghĩ một cách chung chung mà phải xuất phát từ chính tác phẩm để có sự cảm nhận, suy nghĩ. Nghĩa là các em phải chú ý đi vào khai thác chi tiết, hình thức thể hiện nội dung tác phẩm thì sự cảm nhận, suy nghĩ của mình mới giàu sức thuyết phục.

Khi làm bài tập này, các em cần viết thành bài, nghĩa là có đầy đủ các phần: mở bài, thân bài , kết bài. Phần thân bài nên tách thành các đoạn văn khi trình bày xong một luận điểm hay một đoạn ý. Bài tập này không giới hạn số dòng, số câu nhưng các em phải biết phân bố thời gian cho hợp lý để hoàn thành bài viết cho thật cân đối trong khoảng thời gian có giới hạn.


admin
admin
Admin

Tổng số bài gửi : 89
Join date : 12/05/2012
Age : 26
Đến từ : Đà Nẵng

https://lop94nguyenphuhuong.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết